Thay vì kỳ vọng giá nhà đất có thể giảm vì dịch Covid-19 hay câu chuyện bội cung, nhiều người mua nhà quyết định tranh thủ tìm kiếm cơ hội sở hữu nhà trước thực tế giá BĐS liên tục tăng trong các năm qua.
Quan sát thị trường từ năm 2018 đến nay, chị Thu Quỳnh (Tiền Giang) đã không còn nuôi hi vọng về viễn cảnh giá nhà sẽ giảm do yếu tố bội cung hay thậm chí là tác động từ dịch bệnh Covid-19. Ra trường và làm việc tại TP.HCM gần 9 năm, chị mong muốn làm việc lâu dài và an cư tại thành phố này nên coi việc mua nhà là điều tất yếu. Ấp ủ ước mơ này từ năm 2018 nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép nên đến tận thời điểm này chị vẫn chưa thực hiện được.
Giai đoạn đầu năm 2020 chị Quỳnh có ưng ý một căn nhà riêng ở quận 12 nhưng lúc đó tài chính chưa đủ, kinh tế đang khó khăn nên chị cũng không dám mạnh dạn vay vốn bên ngoài. Thêm vào đó chị thừa nhận bản thân vẫn ôm hi vọng giá nhà sẽ giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên thực tế đã khiến chị Quỳnh tỉnh ra, giá nhà không những chẳng giảm mà còn có xu hướng tăng cao hơn.
Chị Quỳnh cho biết vẫn tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội mua căn nhà ứng ý. “Giờ ngôi nhà đó đã được người khác mua và họ cũng không có ý bán lại dù tôi chấp nhận mua chênh. Tôi có xem vài căn rao bán gần khu này nhưng không được như căn lúc trước, giá lại cao hơn nên tôi càng tiếc nuối”. Giờ đây chị Quỳnh xác định sẽ xuống tiền mua luôn, chấp nhận đi vay thêm nếu tìm được căn nhà nào phù hợp. “Tôi không còn ôm hi vọng dịch bệnh sẽ khiến giá nhà giảm xuống nữa. Với xu hướng giá nhà cứ tăng như hiện nay, nếu không mua bây giờ, sợ sang năm lại không còn đủ tiền để mua”, chị Quỳnh cho hay.
Cũng có ý định mua nhà trong năm nay, anh Nguyễn Tùng (Quảng Trị) cho biết việc ngồi chờ giá nhà giảm không còn là điều khả thi trong thời điểm nhà đất ở TP.HCM cầu tăng cung thiếu. Trước đây anh Tùng cũng hi vọng khi giao dịch thị trường kém sôi động sẽ gây ảnh hưởng đến giá nhà và chắc chắn căn hộ phải giảm ít nhiều. Nhưng trái với kỳ vọng của anh, giá bán căn hộ ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp vẫn đều đặn tăng, thậm chí ngay cả một số dự án ở Bình Dương cũng tăng rất nhanh dù không có nhu cầu an cư cao như TP.HCM.
“Tôi không còn nuôi hi vọng thị trường khó khăn thì giá nhà sẽ giảm nữa, thực tế là dù có ít người mua nhà hơn giá vẫn sẽ tăng vì có giảm đến đâu, người cần mua nhà vẫn nhiều hơn số lượng nhà chào bán, nhất là nhà giá bình dân. Đất thì chật mà người ngày càng đông, nếu không tranh thủ mua nhà thì rất có thể chỉ vài năm tới, với tầm tài chính 2 tỷ sẽ không thể mua nổi nhà ở TP.HCM. Thay vì chờ săn nhà giảm giá, tôi tranh thủ tìm kiếm ở thị trường thứ cấp căn hộ nào có vị trí, giá bán phù hợp để mua trong năm nay, càng kéo dài càng khiến chi phí bỏ ra để mua nhà gia tăng”, anh Tùng cho hay.
Theo số liệu báo cáo từ Bộ xây dựng, trong năm 2020, giá BĐS tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn có xu hướng leo thang bất chấp khó khăn dưới tác động của dịch bệnh. Cụ thể, giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội quý 4/2020 tăng khoảng 2-3% so với cùng kỳ, tại TP.HCM tăng khoảng 3-4%, cá biệt nhiều dự án còn tăng gần 10%. Thị trường đất nền có mức tăng trung bình vào khoảng 5% so với năm 2019. Năm 2020, cả nước có 322 dự án với 110.181 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Số lượng nhà ở được chứng nhận đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tương đối thấp.
Dự báo về năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, giá căn hộ tại TP.HCM vẫn có chiều hướng tăng. Dù về cuối năm 2021 có thể nguồn cung tăng mạnh, một số nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường, giá có thể sẽ chững lại nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại TP.HCM sẽ tiếp tục tăng khoảng 5-10% so với năm 2020. Tại các tỉnh, thành khác giá bất động sản cơ bản đều tăng ở mức 5-7% so với năm 2020. Một số địa phương có thể tăng mạnh hơn, đạt trên 10% như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu…
Theo dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn, trong năm 2020 giá BĐS tại TP.HCM vẫn ghi nhận xu hướng tăng với mức tăng từ 6 -7%. Xu hướng này dự báo vẫn sẽ kéo dài trong năm 2021 khi mà bài toán nguồn cung chưa thể giải trong một sớm một chiều còn nhu cầu mua vẫn rất lớn.