KỲ VỌNG SỰ ĐỘT PHÁ TỪ THÀNH PHỐ PHÍA ĐÔNG

Câu chuyện thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM đang nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ ý tưởng, đến đề án và triển khai trực tế vẫn còn nhiều việc phải làm.

Khu Đông TP.HCM được quy hoạch trở thành trung tâm lớn về công nghệ cao

Câu chuyện thành lập Thành phố phía Đông được đánh giá là một trong những bước đi đầu tiên tìm kiếm giải pháp quản trị công thích nghi với sự thay đổi chưa từng có của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tìm phương pháp để mang đến sự thịnh vượng cho khu Đông và TP.HCM.

Trong khi các cơ quan chức năng của TP.HCM đang gấp rút hoàn thiện đề án để trình Chính phủ và Quốc hội, việc nghiên cứu quy hoạch chung đô thị phía Đông và quy hoạch phân khu các trọng điểm sáng tạo, chính sách thu hút đầu tư cũng đang là một thách thức không nhỏ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quy hoạch khu trung tâm (Sở Quy hoạch và Kiến Trúc TP.HCM), người trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức về công tác tổ chức lập quy hoạch.

Đề án thành lập Thành phố phía Đông đã được lãnh đạo TP.HCM ấp ủ từ lâu, để hiện thực hóa được ý tưởng này chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian. Hiện tại, TP.HCM đã chuẩn bị những gì về mặt pháp lý cũng như quy hoạch cho việc thành lập Thành phố phía Đông?

Về mặt pháp lý, hiện tại Sở Nội vụ đã có dự thảo tờ trình gửi UBND Thành phố về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 – 2021. Trong đó, đề xuất bổ sung việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành Thành phố phía Đông.

Còn về mặt quy hoạch, hiện tại chỉ mới đang ở giai đoạn lập nhiệm vụ quy hoạch, phân tích số liệu, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật để làm thế nào xây dựng nên một thành phố thông minh. Để lắng nghe và kết nối với các bên liên quan nhằm thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch, hàng tuần, chúng tôi sẽ mời các doanh nghiệp như bất động sản, công nghệ, sản xuất công nghệ cao, các viện, trường…, cùng các sở, ngành liên quan để lắng nghe những phân tích, nguyện vọng của họ nhằm hình thành nên những chính sách về đô thị và thực thi quy hoạch phù hợp.

Bà Lương Thu Anh

Cũng xin nói thêm, công tác nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khu vực phía Đông đồng thời với nghiên cứu quy hoạch chung của Thành phố. Đối với khu vực phía Đông, chủ trương của Thành phố là điều chỉnh quy hoạch để kích thích các hoạt động kinh tế sáng tạo và hợp tác phát triển vùng.

Bản quy hoạch lần này không làm thay đổi mọi thứ, mà xác định thứ tự ưu tiên và chọn lọc những mục tiêu quan trọng.

Thứ nhất, phát triển các khu trọng tâm kinh tế sáng tạo kèm chính sách thu hút, ưu đãi cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất các sản phẩm mang tính thử nghiệm (prototype), có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), và có hoạt động sản xuất hàng loạt công nghệ cao.

Thứ hai, nâng cao tỷ lệ người dùng giao thông công cộng.

Thứ ba, ứng phó với biến đổi khí hậu và ngập lụt.

Cuối cùng là kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng về hạ tầng kỹ thuật, các khu vực chức năng, chia sẻ nhu cầu giải quyết về nhà ở, lao động.

Theo bà, đâu là khó khăn trong công tác lập quy hoạch và giải pháp đặt ra?

Có rất nhiều thách thức đô thị như giao thông vận tải nặng còn trộn lẫn với giao thông hành khách. Khu vực cảng là nguồn lực phát triển, nhưng đồng thời chúng ta chưa có đủ cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tác động xấu đến từ khu cảng. Giao thông cho người dân vẫn chưa thân thiện và an toàn. Đây cũng là một trong những thách thức lớn chúng tôi kỳ vọng phải giải quyết được.

Ví dụ như trục đường Xa lộ Hà Nội, nhiều người vẫn bảo rằng trục giao thông này vẫn chưa thân thiện với người dân vì tính kết nối hai bên đường rất ít. Để giải bài toán này, chúng tôi sẽ quy hoạch xây dựng các cầu bộ hành, bắc từ các nhà ga metro qua đường bên kia, điều này vừa tăng tính kết nối, đồng thời hạn chế được những tai nạn không đáng có khi người dân băng qua đường.

Những thách thức khác là ngập lụt, nguy cơ ngập lụt càng tăng khi các vùng đất nông nghiệp bê tông hóa dần dần. Hay thiếu cây xanh và thiếu nhà ở xã hội, giá nhà đất tăng nhanh chóng làm suy giảm tính cạnh tranh của khu vực cũng là các thách thức lớn.

Hạ tầng của khu Đông đang được đẩy mạnh đầu tư

Trong định hướng quy hoạch kết nối các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, thời gian tới, Thành phố phía Đông sẽ có những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm nào, thưa bà?

Giao thông là vấn đề trọng điểm trong đô thị sáng tạo và trọng điểm đó đặt mục tiêu rất rõ ràng là phát triển giao thông công cộng. Vấn đề giao thông không chỉ là một tuyến đường nào sẽ được mở mà thước đo thành công của giao thông, mà chúng tôi mong đợi là làm sao nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng giao thông công cộng.

Để làm được điều đó thì ngoài tuyến Metro số 1 là xương sống, chúng tôi cũng quy hoạch một hệ thống giao thông công cộng mang tính kết nối lớn hơn như mạng lưới tuyến buýt thông thường, buýt gom và dịch vụ vận tải công cộng theo nhu cầu (on-demand transit) tích hợp với các tuyến giao thông nhanh – sức chở lớn (BRT) để hình thành mạng lưới hoàn chỉnh, đảm bảo mật độ mạng lưới đủ đáp ứng yêu cầu, nhu cầu đi lại của người dân.

Chúng tôi cũng quy hoạch và hy vọng thực hiện được một tuyến BRT hoặc LRT bằng công nghệ trong nước như là một biểu tượng cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt giải quyết vấn đề di chuyển trong đô thị.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phát triển ý tưởng thêm 1 trục giao thông cấp 1 theo hướng Đông Tây, kết nối từ đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), qua Thanh Đa, đến cảng Trường Thọ, Rạch Chiếc, rồi đi về phía Nam của Khu công nghệ cao TP.HCM và cuối cùng là đi về phía Long Thành (Đồng Nai). Trục giao thông này sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, tăng kết nối với Metro số 1 với các khu vực như Thủ Đức, Thanh Đa, quận 9, khu quy hoạch công viên khoa học (Khu công nghệ cao 2). Trục này sẽ giúp phân bổ mạng lưới giao thông đồng đều. Tuy nhiên, đây chỉ mới là ý tưởng cần phải nghiên cứu thêm về tính khả thi của tuyến đường.

Thứ hai, trục này sẽ giúp giảm tải giao thông, kết nối với Đồng Nai, đặc biệt tại cầu Đồng Nai và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Có nhiều ý kiến cho rằng, trong định hướng quy hoạch Thành phố phía Đông, cần mở rộng quỹ đất sang các khu vực lân cận của Bình Dương và Đồng Nai sẽ làm tăng thêm nguồn lực phát triển. Quan điểm của bà về ý kiến này như thế nào?

Một trong các tiêu chí quan trọng nhất của đô thị sáng tạo là “Hợp tác phát triển”, nên chúng ta sẽ có các giải pháp liên kết, hợp tác, làm việc cùng nhau cho dù địa giới hành chính khác nhau. Mỗi vùng đất sẽ có một thế mạnh khác nhau.

Cụ thể, Bình Dương và Đồng Nai có thế mạnh về phát triển công nghiệp, lợi thế về nhân công và giá tiêu dùng vẫn còn thấp. Trong khi đó, TP.HCM có lợi thế khác như nguồn nhân lực được đào tạo, cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, doanh nghiệp đang phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện.

Đây là câu chuyện là hợp tác phát triển cùng nhau để mỗi doanh nghiệp, người dân có thể tìm thấy một chỗ ở, việc làm phù hợp với hoàn cảnh của mình, tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và phát triển những kế hoạch tiến bộ cho tổ chức, cá nhân mình trong thách thức mới của thời đại.

Đánh giá của bạn

Tin liên quan