TP.HCM: KHU ĐÔ THỊ SÁNG TẠO PHÍA ĐÔNG SẼ CÓ 6 KHU CHỨC NĂNG

Tại TP.HCM, khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ có các khu chức năng như trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; khu đô thị Thủ Thiêm; khu đô thị tương lai Trường Thọ; trung tâm thể thao Rạch Chiếc…

Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố, đồng thời trao giải cho các đội tham gia cuộc thi về ý tưởng quy hoạch khu đô thị này.

Theo đó, giải nhất thuộc về Công ty Sasaki Associates đến từ Mỹ. Theo đề án của công ty này, khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ phát triển 6 khu vực quan trọng:

6 trọng điểm sáng tạo của khu đô thị phía Đông TP.HCM. Ảnh: Zing
6 trọng điểm sáng tạo của khu đô thị phía Đông TP.HCM. Ảnh: Zing

Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc gồm các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe, khu sản xuất đồ thể thao. Khu này sẽ hình thành không gian rộng lớn quanh sân vận động để hội tụ.

Khu vực thứ hai là trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm. Đối với hạ tầng giao thông tại đây, người đi bộ sẽ được ưu tiên và tàu điện ngầm sẽ kết nối đến nhiều khu vực quan trọng. Sân các nhà thờ, lối đi ở bờ sông được kết nối với đường phố để phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mua sắm.

Trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TP.HCM) sẽ là nơi tập trung nghiên cứu, có sự hợp tác giữa các trường đại học, phòng thí nghiệm và các công ty nghiên cứu, phát triển.

Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn sẽ có nhiều trường đại học ở vùng lân cận. Tại trung tâm sẽ xây nhà ga tàu điện ngầm ở phía Bắc của khu vực kết nối với nhiều khu vực khác.

Trường Thọ ở quận Thủ Đức sẽ là đô thị tương lai. Khu đô thị này được cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống chức năng đa dạng. Khu vực sẽ có vành đai giao thông khép kín để có thể tiếp cận đến từng ngóc ngách và người đi bộ sẽ được ưu tiên.

Tại quận 9, khu công nghệ sinh thái Tam Đa sẽ tập trung mảng công nghệ sinh thái, mở ra cơ hội thực hành, sáng tạo. Những khu trường đại học, khu vườn mưa, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn sẽ tạo điều kiện để đổi mới nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Để xây dựng đồng bộ các khu chức năng, Công ty Sasaki đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án. Bên cạnh đó, để điều phối phát triển, 3 quận trong khu vực cần tổ chức thành một cơ quan hành chính duy nhất theo mô hình chính quyền đô thị.

Để thu hút đầu tư và nhân tài tại khu đô thị sáng tạo, TP.HCM cần xin cơ chế đặc khu kinh tế. Ngoài ra, thành phố cần ưu tiên phát triển các ngành nghề công nghệ cao, ngành nghề hiện có để tận dụng công nghệ phần mềm, tăng cường đổi mới sáng tạo…

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý, việc phát triển đô thị phía Đông cần giữ tự nhiên, thuận theo tự nhiên, phát triển cùng tự nhiên. Việc kết nối giữa khu đô thị này với khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam Bộ cũng cần được nghiên cứu bổ sung.

Khánh Trang/Batdongsan.com.vn

Đánh giá của bạn

Tin liên quan