TOÀN CẢNH HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỒ SỘ Ở 4 CỬA NGÕ KHU ĐÔNG SÀI GÒN, NƠI THỊ TRƯỜNG BĐS PHÁT TRIỂN NHƯ VŨ BÃO

Toàn cảnh hạ tầng giao thông đồ sộ ở 4 cửa ngõ khu Đông Sài Gòn, nơi thị trường BĐS phát triển như vũ bão

Ngay từ năm 2018, thị trường khu Đông đã luôn thuộc nhóm sôi động nhất tại TPHCM. Trong năm 2019, khi thị trường chung có dấu hiệu chậm lại thì giá BĐS khu Đông vẫn tăng trưởng.

Các nhà đầu tư cho rằng chính sự phát triển của hạ tầng giao thông, thuận lợi gần trung tâm TPHCM, kết nối tốt với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… là thế mạnh của nhà đất nơi đây.

Mới đây, Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), chủ đầu tư dự án đã mở rào chắn, chính thức thông xe hai chiều tại nút giao ĐHQG TP.HCM (quận 9). Đây là một trong những hạng mục của dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, đoạn từ ngã 3 Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Nút giao thông dài khoảng 1,8 km, bắt đầu từ cổng Khu du lịch Suối Tiên đến cây xăng Bình Thắng, quận 9, Thủ Đức (TP.HCM) và một phần thị xã Dĩ An (Bình Dương).

Hầm chui nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM vừa được thông xe, tạo điểm kết nối quan trọng với dự án nhà ga trung tâm Metro số 1, Bến xe miền Đông mới…

Ngoài dự án này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết dự kiến, cuối năm nay, nhiều dự án mở rộng đường giải tỏa áp lực giao thông tại các cửa ngõ TP.HCM sẽ chính thức khởi công.

Trong đó có dự án “Xây cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới” trên xa lộ Hà Nội với mục tiêu đảm bảo kết nối giao thông khi Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư 437,1 tỉ đồng, bao gồm xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học Quốc qia) để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông;

Xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương. Ngoài ra, xây dựng 2 đường chui, 1 đường trên phần đường song hành phải QL1 rộng 8 m, dài 670 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và 1 đường trên phần đường song hành trái QL1 rộng 8 m, dài 350 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.

Trước đó, trong tháng 8/2019, nút giao thông 3 tầng Mỹ Thủy (quận 2) là điểm nóng về kẹt xe và là điểm đen về tai nạn giao thông đã được đầu tư và thông xe giai đoạn 1 nhằm tạo thuận lợi cho xe lưu thông vào các khu dân cư, cảng biển Cát Lái. Các chuyên gia trong ngành cũng khẳng định rằng đây là dự án trọng điểm của UBND TPHCM giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên trên các trục đường ra vào cảng Tân Cảng – Cát Lái. Dự án kỳ vọng sẽ xóa bỏ dứt điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn, giúp việc giao thương hàng hóa giữa khu vực TPHCM với các vùng lân cận thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Công trình sẽ xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2) dài 124m cho 6 làn xe, xây cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725m cho 2 làn xe lưu thông và xây dựng cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái dài 75m cho 4 làn xe lưu thông.

Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2 dự kiến triển khai cuối tháng 12-2019. Theo đó xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 trước, các hạng mục còn lại sẽ thi công tùy thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng ở quận 2. Tổng mức đầu tư xây dựng 1.435 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp 1.087 tỉ đồng.

Dự án hầm chui 3 tầng Mỹ Thuỷ (quận 2) đã thông xe giai đoạn 1.
Dự án cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2020.

Cách hầm chui Mỹ Thuỷ khoảng 3km, một dự án quy mô khá lớn 7.000 tỷ đồng cũng chuẩn bị được khởi công xây dựng là cầu Cát Lái. Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa  đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TPHCM. Đồng Nai sẽ thực hiện dự án này trên cơ sở thống nhất giữa UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TPHCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.

Với quyết định trên, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM trong suốt quá trình triển khai dự án. Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5 km; cầu chính kết cấu dây văng 2 trụ tháp, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, mặt cắt ngang 60 m, độ thông thuyền H=55m, B=250m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế cho phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông – vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông – vận tải. Cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Ở một hướng khác, Dự án nâng cấp quốc lộ 13, từ ngã tư Bình Dương – Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu (khoảng 5,5 km, quận Thủ Đức) vừa được trình HĐND TPHCM xin chủ trương đầu tư.

Ban quản lý dự án các công trình giao thông TPHCM cho biết, công trình dự kiến thực hiện trước năm 2023, tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng…

Còn theo UBND tỉnh Bình Dương, QL 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.

Dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 13 dự kiến sẽ được đầu tư trong năm 2020.

Một cửa ngõ kết nối TPHCM với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khác dài hơn chục km cũng đã hoàn thành và tiếp tục được đầu tư nâng cấp, kéo dài là đại lộ Phạm Văn Đồng. Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông Bắc và đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, đại lộ Phạm Văn Đồng với chiều dài 12km, rộng 12 làn xe được xem là tuyến đường huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với trung tâm TPHCM.

Kể từ khi được đưa vào hoạt động cuối năm 2013, đại lộ Phạm Văn Đồng đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, cải thiện hạ tầng đô thị, đồng thời kết nối với các khu vực trung tâm của TPHCM như quận 1, quận 2, Phú Nhuận, sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng và thuận tiện hơn. Không chỉ kết nối nhanh vào trung tâm, tuyến đường này còn giúp dễ dàng di chuyển đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua quốc lộ 1A.

Các tuyến đường kết nối trực tiếp với đại lộ Phạm Văn Đồng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Theo quy hoạch, TPHCM sẽ xây dựng tuyến đường Vành đai 2 khép kín theo vòng tròn ôm lấy TPHCM từ phía ngoài, với mục đích giảm tải áp lực giao thông lên các tuyến nội đô, và rút ngắn thời gian di chuyển giữa miền Đông – miền Tây.

Theo đó, đoạn 2 dài 1,99km từ nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng cũng đang được TPHCM đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đây cũng là đoạn quan trọng của Vành đai 2, kết nối 2 tuyến huyết mạch của TPHCM là Xa lộ Hà Nội và Phạm Văn Đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp giao thông của các dự án dọc tuyến Phạm Văn Đồng vào khu đô thị Thủ Thiêm và trung tâm trở nên dễ dàng hơn.

“Các công trình này tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TPHCM với Bình Dương, thành phố Biên Hòa trở nên vô cùng thuận lợi. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải,… sẽ giúp cho khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước như hổ mọc thêm cánh. Cộng với việc chính quyền địa phương luôn sát cánh tháo gỡ nhanh những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư nên doanh nghiệp có thêm điều kiện triển khai nhanh dự án đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho biết thêm.

Đăng Khải

Theo Nhịp Sống Việt

Đánh giá của bạn

Tin liên quan